Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy【BLHS năm 2015 và Sửa đổi, bổ sung 2017】

Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định238 thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

(trích BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
PHẦN BÌNH LUẬN & PHÂN TÍCH :

DẤU HIỆU KHÁCH QUAN :

Qua tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 cho thấy việc quy định cấu thành cơ bản của tội này phải đồng thời thỏa mãn 03 điều kiện là

     1- đã được giáo dục nhiều lần;

     2- đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống,

     3- đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm không còn phù hợp với thực tế diễn biến của tội phạm này trong những năm gần đây. Vì việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma túy không chỉ diễn ra ở miền núi, vùng dân tộc ít người mà còn diễn ra ở vùng đồng bằng, thành phố. Mặt khác, do điều luật chưa quy định cụ thể về diện tích, số lượng trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy nên thời gian qua các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xử lý được vụ án nào, dẫn đến tình trạng tái trồng cây thuốc phiện diễn biến phức tạp.

     Do vậy, tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa theo hướng người phạm tội chỉ cần thỏa mãn một trong các điều kiện là:

(1) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

(2) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

(3) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

Vậy, hành vi trồng các loại cây có chứa chất ma tuý nêu trên chỉ bị xử lí hình sự trong ba trường hợp sau đây:

  • Thứ nhất, người có hành vi trồng các loại cây có chứa chất ma tuý đã từng được cơ quan có thẩm quyền vận động, thuyết phục, nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt việc trồng cây và phá bỏ cây đã trồng, hoặc phổ biến đường lối, chính sách, quy định của pháp luật 02 lần. Đồng thời, người trồng cây đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống như: được Nhà nước hỗ trợ về tiền vốn, kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt các loại cây khác như cây ăn quả, cây lương thực… để thay thế các loại cây có chứa chất ma túy mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi trồng các loại cây trên.
  • Thứ hai, người thực hiện hành vi trồng các loại cây có chứa chất ma tuý mà trước đó đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích thì cũng phải chịu TNHS về tội trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý.
  • Thứ ba, người phạm tội đã thực hiện hành vi trồng các loại cây có chứa chất ma tuý với số lượng từ 500 cây trở lên. Trong các trường hợp này, người phạm tội sẽ bị xử phạt theo khung hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 247 là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu số lượng cây được trồng từ 3.000 cây trở lên, hoặc thực hiện việc trồng cây “có tổ chức” hay thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì người phạm tội sẽ bị xử lí theo khung hình phạt tang nặng được quy định tại khoản 2 Điều 247 là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Trong trường hợp “người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự” (khoản 4 điều 247). Quy định mới này vừa thể hiện nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự, vừa thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với những người có hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

- Khoản 2 bổ sung tình tiết “Với số lượng 3.000 cây trở lên” là tình tiết định khung tại khoản này.

- Khoản 3 tăng hình phạt tiền bổ sung lên "từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".

- Khoản 4 bổ sung quy định mới: “Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Luật Gia Vlog - Kiettan Nguyen-tổng hợp & phân tích
VIDEO :
(đang cập nhật)
TÀI LIỆU THAM KHẢO :
  • Nghị định 19/2018/NĐ-CP Quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015   Bộ Tư pháp 02/02/2018  02/02/2018  NĐ.1
  • Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chấtBan hành:25/08/2022
    • Nghị định 90/2024/NĐ-CP sửa đổi danh mục chất ma túy và tiền chất theo Nghị định 57/2022/NĐ-CPBan hành:17/07/2024
VĂN BẢN LIÊN QUAN :
(đang cập nhật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét